Nếu bạn đang có ý định thiết kế một website cho cửa hàng, công ty hay bạn đang tìm hiểu về thể giới website thì chắc hẳn bạn phải nên biết để tạo ra một trang web thì bạn cần có một tên miền. Như vậy có thể thấy tên miền (domain) quan trọng với website như thế nào, bởi lẽ tên miền website giống như một địa chỉ giúp bạn, khách hàng của bạn có thể tìm đến trang web cửa hàng, công ty một cách chính xác thông qua các công cụ tìm kiếm trực tuyến. Từ đó các thông tin bạn muốn tuyền tải cũng dễ dàng đến với khách hàng bằng việc khách hàng truy cập website. Vậy tại sao lại có thể xảy ra tranh chấp tên miền và nếu thật sự có xảy ra tranh chấp tên miền thì cách giải quyết nó như thế nào. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý bạn đọc có cái nhìn cụ thể về tên miền website và cách giải quyết tranh chấp tên miền khi có phát sinh.
1. Tên miền là gì?
Tên miền hay còn gọi là domain, là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu “.”; là địa chỉ trang web mà mọi người nhập vào thanh URL của trình duyệt để truy cập vào một website.
Mục đích chính của tên miền là để cung cấp một hình thức đại diện, hay nói cách khác, dùng những tên dễ nhận biết, thay cho những tài nguyên Internet mà đa số được đánh địa chỉ bằng số. Tên miền có tác dụng để thay thế 1 địa chỉ IP dài và khó nhớ như: 123.45.67.89 trên internet thành một “Domain Name” hay “Tên Miền” có dạng là abc.com. Cách nhìn trừu tượng này cho phép bất kỳ tài nguyên nào (ở đây là website) đều có thể được di chuyển đến một địa chỉ vật lý khác trong cấu trúc liên kết địa chỉ mạng, có thể là toàn cầu hoặc chỉ cục bộ trong một mạng internet, mà trên thực tế là đang làm thay đổi địa chỉ IP. Việc dịch từ tên miền sang địa chỉ IP (và ngược lại) do hệ thống DNS trên toàn cầu thực hiện.
2. Tranh chấp tên miền website
Việc sử dụng tên miền trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng phổ biến, cùng với đó là xung đột về tiền miền và nhãn hiệu cũng ngày càng tăng, từ đó dẫn đến không ít các tranh chấp của các chủ thể quyền. Tranh chấp tên miền có thể hiểu là những mâu thuẫn, bất hòa và xung đột về quyền và lợi ích giữa hai hay nhiều bên liên quan đến một hoặc nhiều tên miền mà trong đó các bên cho rằng tên miền được đăng ký thuộc quyền sở hữu của mình và việc đăng ký tên miền của bên kia đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp xuất phát từ chính nguyên tắc bảo hộ tên miền. Hiện nay, nguyên tắc bảo hộ tên miền đang được áp dụng tại Việt Nam và tại phần lớn các quốc gia trên thế giới là nguyên tắc “Đăng ký trước thì được quyền sử dụng trước” (first to file first to serve). Theo nguyên tắc này, mọi chủ thể sẽ được cấp đăng ký cho một tên miền khi có đơn yêu cầu đăng ký hợp lệ sớm nhất tới cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký tên miền bất kể tên miền được đăng ký có trùng hay tương tự với nhãn hiệu, tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác hay không. Ngoài ra việc đăng ký tên miền hiện nay cũng đơn giản và tốn không quá nhiều chi phí. Chính vì điều này, đại đa số các tranh chấp tên miền là tranh chấp giữa một bên là chủ sở hữu nhãn hiệu với bên kia là chủ thể đã đăng ký tên miền, theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu thường khởi kiện chủ thể đã đăng ký tên miền vì đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.
3. Cách giải quyết tranh chấp tên miền website
Hiện nay, để giải giải quyết tranh chấp tên miền, bạn có thể tham khảo một số cách giải quyết dưới đây
3.1 Thông qua hòa giải thương lượng
Là quá trình bên khởi kiện và bên bị khởi kiện thực hiện việc hòa giải trước hoặc trong quá trình tố tụng. Trong trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc tranh chấp, các bên phải lập Biên bản hòa giải thành và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở xử lý tên miền tranh chấp.
3.2 Thông qua trọng tài
Các bên có thể lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp tên miền phát sinh trong hoạt động thương mại. Pháp luật về Trọng tài thương mại sẽ điều chỉnh các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên thông qua phán quết giải quyết tranh chấp.
3.3 Khởi kiện tại tòa án
Căn cứ khoản 4 Điều 26; khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Các bên có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp tên miền trong quan hệ dân sự và hoạt động thương mại. Các vấn đề về điều kiện đơn khởi kiện, thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp theo phương thức này được thực hiện theo quy định của pháp luật về Tố tụng dân sự.
Bạn có thể tham khảo thêm về cách giải quyết tranh chấp tên miền .vn quy định tại Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng